Covid-19 và những tác động đến môi trường

covid thay đổi môi trường
Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi cách chúng ta sống và làm việc, để đảm bảo an toàn và sức khỏe mà nhiều người ở nhà thường xuyên hơn. Những thay đổi về hành vi của con người đã và đang tác động đến môi trường xung quanh theo nhiều cách khác nhau.

Vào tháng 12/2020, tại cuộc họp của Liên minh Địa Vật lý Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng môi trường đang thay đổi nhanh chóng, căn cứ vào thời gian thay đổi của môi trường cho thấy đại dịch Covid-19 chính là một nguyên nhân.

Theo báo cáo của Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA), đại dịch Covid-19 và việc áp đặt các hạn chế chống dịch đã tạo ra một sự tác động tích cực ngắn hạn đến môi trường của khu vực. Những điểm tích cực này bao gồm việc cải thiện chất lượng không khí tạm thời, giảm phát thải khí nhà kính và mức độ ô nhiễm tiếng ồn thấp hơn. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những hậu quả tiêu cực như sự gia tăng sử dụng nhựa dùng một lần đồng thời nhiều biện pháp sản xuất cũng như tiêu thụ không bền vững đã được áp dụng trong thời kỳ đại dịch đã làm ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài về môi trường.

Theo báo cáo của EEA, cuộc khủng hoảng do virus Corona càng làm tăng nhu cầu cấp thiết để giải quyết những thách thức môi trường mà châu Âu đang phải đối mặt. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường, mà còn mang lại lợi ích cho sức khỏe và hạnh phúc của toàn xã hội.

Đại dịch Covid-19 càng làm rõ nét mối tương quan giữa hệ thống tự nhiên và xã hội, khả năng phục hồi của xã hội phụ thuộc vào một hệ thống hỗ trợ môi trường có khả năng phục hồi. Mất đa dạng sinh học và hệ thống thực phẩm thâm canh đã làm cho các bệnh truyền nhiễm từ động vật xảy ra nhiều hơn.

Khi đại dịch mới xảy ra, đã có nhiều người cho rằng chất lượng môi trường sẽ được cải thiện trong thời gian đại dịch, nhưng thực tế lại không như vậy. Những lợi ích ban đầu mà nhiều người thấy như không khí sạch hơn, nghe thấy tiếng chim hót thay vì âm thanh ầm ĩ của xe cộ khi các thành phố áp đặt lệnh phong tỏa hay giãn cách xã hội,… tất cả những lợi ích này chỉ mang tính tạm thời, khi những biện pháp áp đặt chống dịch được nới lỏng thì những lợi ích này dần tiêu tan. Giờ đây, các chuyên gia lo ngại rằng, tương lai trái đất sẽ rủi ro hơn khi giao thông tấp nập trở lại, ô nhiễm không khí, tiếng ồn, nước gia tăng và biến đổi khí hậu đang trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết. Còn quá sớm để biết liệu viễn cảnh u ám đó có diễn ra hay không, nhưng các dấu hiệu liên quan dường như đang xuất hiện ngày càng nhiều ở khắp nơi trên toàn cầu.

Vào thời điểm khi nhiều quốc gia trên thế giới áp đặt lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội thì lượng khí thải carbon hàng ngày trên toàn cầu đã giảm 17% so với trước đại dịch. Nhưng chỉ ngay sau đó, dữ liệu cho thấy con số thực tế chỉ giảm 5%, mặc dù các hoạt động chưa được khởi động lại hoàn toàn.

Giáo sư nghiên cứu về biến đổi khí hậu tại Đại học East Anglia ở Anh Corinne Le Quéré cho biết: “Chúng ta vẫn có những chiếc xe, những con đường, những ngành công nghiệp, những ngôi nhà như vậy. Vì thế, ngay sau khi các lệnh hạn chế chấm dứt hoặc nới lỏng thì chúng ta sẽ quay lại như trước đây thôi”. Giờ đây, nguy cơ cao đó là lượng carbon có thể tăng quá mức trước đại dịch. Là quốc gia đầu tiên áp đặt các lệnh phong tỏa do virus Corona tấn công và là một trong những quốc gia đầu tiên bắt đầu mở cửa trở lại, trải nghiệm của Trung Quốc được xem là điển hình cho thế giới. Sự cải thiện đáng kể về chất lượng không khí khi sản xuất và giao thông vận tải tạm dừng khi lệnh phong tỏa bắt đầu đã hoàn toàn biến mất ngay sau đó. Bởi các nhà máy cố gắng sản xuất để bù đắp khoảng thời gian đình trệ, tình trạng ô nhiễm trở lại, thậm chí vượt qua mức trước đại dịch.

Theo nhà phân tích hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch có trụ sở tại Helsinki Lauri Myllyvirta cho biết, các quan chức địa phương Trung Quốc đưa ra những quyết định thúc đẩy kinh tế đi kèm với tạo điều kiện cho một loạt các nhà máy nhiệt điện than mới được xây dựng. Các chuyên gia cảnh báo rằng điều này sẽ dẫn đến các vấn đề lớn về sức khỏe và khí hậu trong tương lai nếu các nhà máy mới được phát triển, do cơ sở hạ tầng như vậy sẽ có xu hướng được sử dụng trong nhiều năm. Theo Myllyvirta, nếu thế giới muốn tránh những kịch bản khí hậu thảm khốc nhất, Trung Quốc phải tăng cường đầu tư vào năng lượng sạch chứ không phải than đá.

Trong bối cảnh đại dịch hoành hành và khủng hoảng kinh tế bủng nổ, các ngành công nghiệp như nhiên liệu hóa thạch, nhựa, hàng không và ô tô đang tranh giành lợi thế. Một số chính phủ, đặc biệt là Hoa Kỳ đang hỗ trợ các công ty về vốn và đưa ra các chính sách ưu đãi khác. Các nhà phân tích chính sách nhận định có một nguy cơ nghiêm trọng khi mà nhiều nguồn gây ô nhiễm sẽ xuất hiện khi khủng hoảng kinh tế diễn ra.

Sự hỗ trợ tài chính của chính phủ Hoa Kỳ cũng đi kèm với các biện pháp điều chỉnh đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi các quy định về ô nhiễm không khí và nước, hạn chế khả năng ngăn chặn các dự án năng lượng của các bang và đình chỉ yêu cầu đánh giá môi trường và đầu vào của người dân đối với các mỏ mới, đường ống, đường cao tốc và các dự án khác.

Một nguồn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là giao thông cũng có nguy cơ trở nên trầm trọng hơn, bởi người dân sẽ hạn chế sử dụng các phương tiện công cộng do lo sợ lây nhiễm virus, các phương tiện cá nhân sẽ được sử dụng nhiều hơn. Tại Trung Quốc, giao thông đã trở lại mức trước đại dịch. Nhiều thành phố trên thế giới đang gấp rút mở rộng làn đường dành cho xe đạp để quản lý sự dịch chuyển phương tiện đi lại của người dân từ xe lửa, xe buýt.

Ở Brazil, những kẻ khai thác gỗ bất hợp pháp đã tăng tốc độ tàn phá rừng nhiệt đới Amazon trong khi virus Corona vẫn đang tàn phá đất nước này. Theo dữ liệu vệ tinh từ cơ quan nghiên cứu không gian INPE, trong năm 2020, hơn 64% diện tích rừng đã bị khai thác so với năm 2019.

Các trận hỏa hoạn năm 2019 rất tàn khốc, nhưng khi thảm thực vật bị chặt và đốt cháy trong năm 2020 cùng với việc đại dịch Covid-19 hoành hành đã khiến cho nguy cơ về môi trường ở khu vực Amazon ngày càng lớn hơn. Ngoài các tác động khí hậu của việc mất rừng, thì khói từ đốt rừng đã làm trầm trọng thêm tình trạng của bệnh nhân Covid-19 và làm tăng thêm áp lực lên các bệnh viện vốn đang phải vật lộn với đại dịch. Tình trạng phá rừng cũng diễn ra nhanh chóng ở các vùng nhiệt đới khác như Indonesia và Congo.

Tuy nhiên, một lợi ích chính và chủ yếu mang tính tích cực của đại dịch Covid-19 là đối với động vật hoang dã, đó là do con người ít di chuyển hơn nên ít va chạm gây chết hoặc bị thương động vật hoang dã trên đường. Một nghiên cứu trong tháng 3 vừa qua cho thấy tỷ lệ nhím ở Ba Lan bị chết do xe cộ trên đường đã giảm hơn 50% so với trước đại dịch. Chỉ riêng ở quốc gia này, hàng chục nghìn con nhím đã được cứu. Điều này có thể giúp đảo ngược sự suy giảm dài hạn của quần thể nhím châu Âu.

Một nghiên cứu khác phân tích dữ liệu về số liệu động vật hoang dã bị chết trên đường bộ ở 11 quốc gia cho thấy tỷ lệ này đã giảm hơn 40% trong vài tuần đầu tiên khi các lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội được áp dụng ở Tây Ban Nha, Israel, Estonia và Cộng hòa Séc.

Ngoài ra, ngày càng có ít tàu di chuyển trên các tuyến đường thủy và đại dương trên thế giới cho các mục đích vận chuyển, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và du lịch. Việc giảm đi lại và hoạt động đường thủy có thể làm giảm nguy cơ tàu thuyền đâm vào và làm bị thương hoặc giết chết động vật biển. Nó cũng có thể làm giảm sự gián đoạn hàng hải có thể xảy ra do ô nhiễm tiếng ồn từ tàu đánh cá, tàu du lịch…

Đại dịch cũng dẫn đến sự suy giảm các nguồn đáng tin cậy trong chuỗi cung ứng, làm giảm nhu cầu đối với các hoạt động thương mại khai thác tài nguyên thiên nhiên ở nhiều nơi trên thế giới.

Trong tương lai, các nhà chức trách có thể bắt đầu tiến hành các hành động mạnh mẽ hơn chống lại việc khai thác và vận chuyển bất hợp pháp động vật hoang dã trên toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố một báo cáo vào cuối tháng 3 vừa qua cho thấy, mặc dù nguồn gốc chính xác của đại dịch vẫn còn khó nắm bắt, nhưng hoạt động mua bán động vật hoang dã trên toàn cầu có thể gây ra việc virus Corona xâm nhập vào Trung Quốc.

nguồn tapchimattran.vn

Zalo: 0345.689.627
0345.689.627